Doanh nghiệp trong nước làm gì để giữ thị trường bán lẻ?

(BVPL) - Người Việt Nam đã quá quen thuộc với những mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan. Đến nay, các đại gia Thái lan đã sử hữu hàng loạt siêu thị lớn như: Metro, Big C, Nguyễn Kim, Robins… Điều này đã tạo cơ hội cho hàng hóa nước này tăng độ “phủ sóng” tại thị trường Việt Nam, song đồng thời cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Sở hữu hàng loạt siêu thị lớn

Ngay sau vụ Central Group chi hơn 1 tỷ USD để mua Big C (tương đương 23.300 tỷ đồng), bản đồ ngành hàng bán lẻ tại Việt Nam đã chính thức thay đổi. Trước đó, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái Lan tại Hà Nội và TP. HCM.

Hang tieu dung Thai Lan tang do "phu song": Dong luc hay thach thuc? - Anh 1

Hàng Thái Lan có mặt ở hầu hết các kệ hàng trong nhiều siêu thị lớn.

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro tại Việt Nam. Hãng này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B's Mart) với tham vọng xây dựng hàng nghìn cửa hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Như vậy, thời điểm này, người Thái đã có trong tay 4 chuỗi siêu thị thuộc bậc lớn nhất tại Việt Nam.

Thực tế, hàng tiêu dùng Thái Lan đã du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay, đã và đang được rất nhiều người Việt ưa chuộng cả về giá cả lẫn chất lượng. Theo con số thống kê từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng từ đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 190 triệu USD rau quả từ Thái Lan, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với mức 44 triệu USD nhập khẩu rau quả năm 2010, lượng rau quả nhập khẩu 11 tháng từ Thái Lan đã tăng tên 331%.

Bộ Công thương cũng thống kê rằng, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau hàng Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt hàng điện tử, điện lạnh chiếm đến 70% thị phần.

Đáng chú ý, Việt Nam còn nhập khẩu rất nhiều mặt hàng mà chính nước ta cũng sản xuất và có thế mạnh như: hàng rau quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, thủy sản, ngô, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su và sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ chất dẻo, giấy…

Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường nhập các loại dầu mỏ, sắt thép, kim loại quý, hóa chất, vải và nhiều loại máy móc, hàng điện gia dụng, dược phẩm…

Động lực hay thách thức?

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định, việc sở hữu hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn sẽ chính thức biến thị trường Việt Nam trở thành kênh phân phối chính thức hàng Thái Lan. Và tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ giảm đi trong thời gian tới.

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Hiện nay, quan chức và các doanh nghiệp Thái Lan đang tích cực đi học tiếng Việt để hiểu về thị trường cũng như tâm lý của người Việt. Thái Lan rất quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn của nước này xâm nhập vào Việt Nam. Họ có tổ chức tư vấn xâm nhập thị trường".

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, việc hàng Thái lấn sân sẽ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp Việt phải cải cách, cạnh tranh và vươn lên. Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặp khá nhiều khó khăn khi đưa hàng vào hệ thống các siêu thị mà đại gia Thái Lan sở hữu tại Việt Nam. Thậm chí, tại các cửa hàng bán lẻ, hàng hóa Việt Nam cũng bị “lép vế” trước hàng hóa Thái Lan. Việc một chuỗi các siêu thị lớn bị thâu tóm bởi doanh nghiệp Thái Lan đã đẩy doanh nghiệp Việt rơi vào thế khó, không được tiếp cận với người tiêu dùng trên chính sân nhà.

Nhưng ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cảnh báo độ phủ của hàng Thái đang thực sự là cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp Việt tự hoàn thiện mình để chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Sự có mặt của hàng Thái tạo nên sức cạnh tranh, thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển tốt, người tiêu dùng hưởng lợi. Nhưng qua việc thâm nhập thị trường Việt cho thấy họ có chiến lược rõ ràng với những bước đi bài bản và chuyên nghiệp chứ không theo kiểu “vui buồn” của DN Việt. Điều quan trọng hơn là họ dám làm hơn DN Việt. Dù vậy, họ cũng không thông thuộc tập quán, thói quen tiêu dùng người Việt bằng chính DN Việt. Do vậy, nếu DN chúng ta chịu thay đổi cung cách làm ăn thì việc giành lại thị phần là không khó.

Hiện nay, một số DN Việt cũng đã đầu tư làm thương hiệu, thậm chí có công ty bỏ ra cả 1.000 USD để tham gia các khóa học về quản lý, bán hàng… áp dụng cho DN mình. Song như vậy là chưa đủ. Điều quan trọng nhất đối với DN là phát triển mạng lưới phân phối, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, nâng cao trình độ quản trị… để cạnh tranh tốt.

Ngoài ra cũng không thể thiếu vai trò của các hiệp hội, Nhà nước trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng để DN có thể cạnh tranh, phát triển. Thực tế, một trong những lý do khiến Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam là do Chính phủ nước này hỗ trợ DN của họ xúc tiến thương mại, đưa hàng ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hữu Bắc

Chat Facebook
Zalo : 0915 110 896
Đang Online: 83
0915 110 896